0914.086.919

Năm 2021 là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Định lần thứ XX, công tác thu hút đầu tư tại được triển khai trên cơ sở bám sát các Nghị quyết của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh và sự chỉ đạo, điều hành của Ủy ban nhân dân tỉnh. Nhìn chung, công tác thu hút đầu tư có chuyển biến tích cực so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid 19 nên nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư chuyển sang hình thức trực tuyến.

Một góc thành phố Quy Nhơn
Một góc thành phố Quy Nhơn

Tình hình thu hút đầu tư 6 tháng đầu năm

Trong 6 tháng đầu năm 2021, tỉnh đã tiếp và làm việc với các nhà đầu tư đến tìm hiểu môi trường đầu tư tại tỉnh như: Công ty TNHH Goldburger (Hàn Quốc); Công ty TNHH Phần mềm FPT (Tập đoàn FPT), Công ty TNHH Long Sơn, Tập đoàn REE.
Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, các hoạt động xúc tiến đầu tư trực tiếp không thể thực hiện được theo kế hoạch. Trong bối cảnh đó, tỉnh Bình Định đã chủ động đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và các nền tảng số vào xúc tiến đầu tư, bước đầu tỉnh đã tổ chức có hiệu quả Hội nghị, hội thảo với các đối tác Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ bằng hình thức trực tuyến này.
Tính từ đầu năm, toàn tỉnh thu hút được 40 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư thu hút khoảng 26.531,56 tỷ đồng (so với cùng kỳ năm trước, giảm 17 dự án, tăng thêm 15.561,11 tỷ đồng về tổng vốn đầu tư) Cụ thể:
– Phân theo khu vực kinh tế: Khu vực ngoài Khu kinh tế, Khu Công nghiệp (KKT,KCN) thu hút được 30 dự án với tổng vốn đầu tư 24.250,58 tỷ đồng; trong KKT,KCN thu hút được 10 dự án đầu tư với tổng vốn thu hút đầu tư 2.280,98 tỷ đồng.
– Phân theo nguồn vốn đầu tư: Có 38 dự án có vốn đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư 26.471,56 tỷ đồng; 02 dự án vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư 60 tỷ đồng.
– Phân theo địa bàn thu hút đầu tư: Chỉ tính riêng ngoài KKT, KCN thì Quy Nhơn là địa bàn dẫn đầu cả tỉnh về số lượng dự án thu hút được là 11 dự án; tiếp đến là Tây Sơn với 07 dự án; Tuy Phước 04 dự án; thị xã An Nhơn, thị xã Hoài Nhơn mỗi địa bàn có 03 dự án; An Lão, Vĩnh Thạnh mỗi địa bàn có 01 dự án. Các địa bàn Vân Canh, Phù Mỹ, Phù Cát, Hoài Ân chưa thu hút được dự án nào.
– Phân theo lĩnh vực đầu tư: Trong số 40 dự án kể trên có 11 dự án lĩnh vực Bất động sản; 13 dự án lĩnh vực Nông – lâm – ngư nghiệp; 10 dự án lĩnh vực Công nghiệp – Hạ tầng; 02 dự án Thương mại – Dịch vụ; 04 dự án lĩnh vực Du lịch.
Đối với công tác đấu thầu, thẩm định, giám sát đầu tư, trong 6 tháng đầu năm, tỉnh đã phê duyệt 28 dự án đầu tư, thẩm định 58 kế hoạch lựa chọn nhà thầu; điều chỉnh, bổ sung phê duyệt dự án và kế hoạch lựa chọn nhà thầu 44 dự án đầu tư. Tỉnh cũng đã tiến hành thẩm định phê duyệt Báo cáo kinh tế – kỹ thuật 65 dự án, 67 kế hoạch lựa chọn nhà thầu,  điều chỉnh, bổ sung phê duyệt Báo cáo kinh tế – kỹ thuật và kế hoạch lựa chọn nhà thầu 10 dự án đầu tư.
Thẩm định kết quả lựa chọn nhà đầu tư đối với 03 dự án đầu tư có sử dụng đất là: Khu đô thị phía Nam Quốc lộ 19 tại thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, Khu đô thị mới Cẩm Văn, phường Nhơn Hưng, thị xã An Nhơn, Khu đô thị Nam đường Hùng Vương, thành phố Quy Nhơn; kết quả lựa chọn nhà đầu tư theo phương thức đối tác công tư: dự án Cải tạo, nâng cấp và mở rộng hệ thống cấp nước sinh hoạt thị trấn Phú Phong theo hình thức hợp đồng Xây dựng – Sở hữu – Kinh doanh (BOO); hồ sơ yêu cầu, hồ sơ mời thầu đối với 03 dự án nhà ở xã hội:  Khu nhà ở xã hội phía Tây đường Trần Nhân Tông, phường Nhơn Phú, thành phố Quy Nhơn; Khu nhà ở xã hội thuộc khu vực 1, phường Đống Đa, thành phố Quy Nhơn; Nhà ở xã hội tại khu đất phường Bồng Sơn, thị xã Hoài Nhơn.
Đến nay, tỉnh đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 530 doanh nghiệp thành lập mới với tổng vốn đăng ký 4.953 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm trước, tăng 22,4% về số doanh nghiệp và 69,8% về vốn đăng ký. Thực hiện cấp đăng ký cho 377 Chi nhánh/văn phòng đại diện/địa điểm kinh doanh; đăng ký thay đổi 1.188 doanh nghiệp, chi nhánh, VPĐD; có 60 DN thông báo giải thể; 43 doanh nghiệp và 60 đơn vị phụ thuộc hoàn tất giải thể và chấm dứt hoạt động, xóa tên DN, CN,VP; có 347 trường hợp tạm ngừng hoạt động, hoạt động trở lại 271 trường hợp.

Định hướng thu hút đầu tư 6 tháng cuối năm

Trong 6 tháng cuối năm, tỉnh Bình Định tập trung thực hiện “nhiệm vụ kép” là vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế-xã hội, hoàn thành 5 nhiệm vụ trọng tâm, triển khai việc lập quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 mà tỉnh Bình Định đã thực hiện ký kết thỏa thuận với Công ty TNHH McKinsey & Company Việt Nam và Công ty Cổ phần FPT.
Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, rút ngắn tối đa thời gian giải quyết thủ tục hành chính có liên quan đến quá trình thành lập và hoạt động của doanh nghiệp, từng bước đáp ứng ngày càng cao sự hài lòng của doanh nghiệp đối với cơ quan công quyền và dịch vu công. Bên cạnh đó cần nâng cao ý thức trách nhiệm, tinh thần và thái độ phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức, từng bước đáp ứng yêu cầu mới, thay đổi từ trong nhận thức, thói quen, tác phong đến thái độ làm việc, tận tâm, tận tụy phục vụ, nắm vững quy định của pháp luật, chính sách mới để giải quyết công việc một cách công khai, minh bạch và có hiệu quả; tạo môi trường thuận lợi để nhà đầu tư và doanh nghiệp yên tâm đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh;
Tập trung xúc tiến đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, gắn với định hướng quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực có tiềm năng, thế mạnh, tập trung vào các nhà đầu tư, tập đoàn lớn trong nước và quốc tế bằng hình thức trực tuyến. Cải tiến các trang thông tin xúc tiến đầu tư và hợp tác, website của các sở, ngành, huyện, thị xã, thành phố, đơn vị nhằm thực hiện công khai, minh bạch các chủ trương, chính sách của Nhà nước, của tỉnh, nhất là các chính sách thu hút đầu tư, các thủ tục hành chính, các chính sách mới ban hành; thông tin về quy hoạch, kế hoạch, dự án tạo điều kiện cho nhà đầu tư và doanh nghiệp tiếp cận, nắm bắt kịp thời các thông tin cần thiết liên quan đến lĩnh vực sản xuất – kinh doanh, tận dụng tối đa các cơ hội đầu tư.
Tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công, xây dựng các dự án, công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh nhằm từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, tạo sự liên kết phát triển trong vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung và các tỉnh phía bắc Tây Nguyên; đôn đốc chủ đầu tư khẩn trương thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ thi công đối với các dự án trọng điểm, tập trung chỉ đạo tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư sớm triển khai dự án Khu Công nghiệp, Đô thị và Dịch vụ Becamex VSIP Bình Định.
Chú trọng xúc tiến đầu tư tại chỗ, hỗ trợ nhà đầu tư trong triển khai dự án, khuyến khích doanh nghiệp tái đầu tư và mở rộng sản xuất. Bên cạnh đó, huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội đồng bộ, hiện đại phục vụ xúc tiến, thu hút đầu tư. Đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hạ tầng một số khu, cụm công nghiệp thu hút các nhà đầu tư thứ cấp; tạo quỹ đất thu hút các dự án đầu tư có vốn lớn, thân thiện với môi trường.
Trong bối cảnh hoạt động kinh doanh, sản xuất chịu nhiều tác động do dịch Covid-19, tỉnh Bình Định sẽ đồng hành cùng nhà đầu tư và doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này, trong đó sẽ triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ mà Chính phủ đã đề ra.
Nguồn: binhdinhinvest
Rate this post